Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tháng 5 tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%.
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng so với tháng trước.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.
Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 5/2023 so với tháng trước, có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với 1,01%. Chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên, giá điện sinh hoạt tháng 5/2023 tăng 2,62% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt tăng 2,19.
Ngoài ra, giá gas trong tháng tăng 0,31% so với tháng trước do từ ngày 01/5/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 5 USD/tấn (từ mức 550 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn).
Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 5,93% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 04/5/2023, 11/5/2023 và 22/5/2023; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,15% do giá thép giảm khi giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm.
– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24% so với tháng trước, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,67%; nhà khách, khách sạn tăng 0,38% do trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch tăng cao.
– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,29% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,22% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26% (tác động làm CPI tăng 0,02 điểm phần trăm) do thời tiết nắng nóng và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng tăng.
– Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,46%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,33%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,29%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,22%.
Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 5 và 5 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2019-2023 (%). Nguồn: GSO
– Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá điều hòa nhiệt độ tăng 0,61% so với tháng trước; giá quạt điện tăng 0,41%; máy đánh trứng, trộn đa năng tăng 0,87%; máy xay sinh tố, máy ép hoa quả tăng 0,01% và thiết bị gia đình lớn có động cơ tăng 0,2%.
– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13% do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, cụ thể: Giá nước khoáng tăng 0,16% so với tháng trước; nước giải khát có ga tăng 0,14%; nước quả ép tăng 0,47%. Rượu các loại tăng 0,13%; bia các loại tăng 0,21% và thuốc hút tăng 0,02%.
– Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,1% do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa hè đối với các mặt hàng mũ nón, giày dép và dịch vụ may mặc. Trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,08%; mũ nón tăng 0,31%; giày dép tăng 0,11%; dịch vụ may mặc tăng 0,26% và dịch vụ giày dép tăng 0,27%.
– Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%, chủ yếu tăng giá một số loại thuốc cảm cúm và vitamin do nhu cầu tăng vào thời tiết giao mùa.
Ở chiều ngược lại, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
– Nhóm giáo dục giảm 0,1% (tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm) do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
– Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
– Nhóm giao thông giảm 2,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,29 điểm phần trăm), chủ yếu do: Giá xăng trong nước giảm 7,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phẩn trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong nước vào ngày 04/5/2023, 11/5/2023 và 22/5/2023; giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0,07%.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng tăng giá trong tháng 5 có thể kể đến như: Giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,06%; đường sắt tăng 2,53%; đường hàng không tăng 0,45% do nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tăng….
Lạm phát cơ bản tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!