Hầu hết các chuyên gia quốc tế đều có chung nhận định Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng trong tăng trưởng xanh, song cần nhìn nhận những thách thức và xây dựng chiến lược phù hợp với tiến trình chuyển đổi xanh…
Ảnh minh hoạ.
Việt Nam, với tiềm năng kinh tế mạnh mẽ, đã được các nhà đầu tư đến từ châu Âu chọn là điểm đến để đầu tư trong khu vực ASEAN, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một trung tâm của khu vực về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Chia sẻ tại Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE 2024) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM mới đây, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu, là lựa chọn khách quan và chiến lược của các quốc gia. Để kiến tạo tương lai xanh, phải có tư duy, tầm nhìn xanh kết hợp với hành động xanh; trong đó công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh rất quan trọng. Việt Nam chủ trương không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế”.
TIỀM NĂNG SONG HÀNH CÙNG THÁCH THỨC
EU là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng tại Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ hợp tác EU- Việt Nam đã có những thành tựu nhất định trong việc chuyển đổi xanh như chuỗi canh tác cà phê bền vững của Tập đoàn Nestle, nhà máy LEGO của Đan Mạch tại Bình Dương đạt chứng nhận LEED (giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ)…
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhận xét: “Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng và cần tiếp tục chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng khó kiểm soát, lao động dồi dào nhưng tay nghề chưa cao…”,
GS.TS. Arne HeinoldĐại học Kuhne Logistics (KLU), Đức.
“Thay vì sao chép các giải pháp từ các nước phát triển, Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo mới, để tránh những “bẫy” mà các nước phát triển đang vướng phải. Việc thay đổi một hệ thống hiện tại khó khăn hơn nhiều so với việc tạo ra một hệ thống mới từ đầu. Đây là cơ hội lớn và thách thức để Việt Nam thực sự vươn lên vượt trội về mặt xanh hóa”.
Việt Nam cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các nguồn FDI này nên hướng vào các mảng quan trọng như năng lượng, chuyển đổi số, tăng trưởng công nghệ xanh, hệ thống vận tải xanh, đảm bảo tính bền vững về môi trường.
Về các thách thức chuyển đổi xanh, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng khúc mắc nằm ở vấn đề năng lượng. Việt Nam hiện tại có năng lượng rẻ, nhưng rẻ thì không sạch. Còn năng lượng xanh, năng lượng chuyển đổi lại đắt.
Làm sao để duy trì sự cung ứng năng lượng rẻ một cách hợp lý, song song đó là chuyển đổi sang năng lượng sạch, đắt đỏ hơn là bài toán khó cho Việt Nam, Chủ tịch EuroCham đặt vấn đề.
“Trung Quốc bắt đầu quay lại chuyển đổi xanh, sạch, nên giá điện của Trung Quốc đắt hơn Việt Nam 30%. Giá điện châu Âu đắt hơn gấp 3 lần Việt Nam. So sánh như vậy để thấy rằng Việt Nam cần phải cân nhắc rất nhiều trong việc tính toán lại giá điện”, ông Jaspaert đưa ra ví dụ.
Vấn đề lớn khác là Việt Nam chưa có hệ thống pháp lý tương thích để đạt mục tiêu phi carbon như đã cam kết. “Việt Nam có nhiều luật, nhưng lại chưa khớp với nhau và cần nhiều thời gian để điều chỉnh. Chỉ khi nào có khung pháp lý và các quy định chặt chẽ mới có thể thu hút được các nhà đầu tư mà Việt Nam cần và xử lý được vấn đề cần giải quyết”, Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của Ban tư vấn về Phát triển bền vững McKinsey, Việt Nam đối mặt với hai nguy cơ khi thực hiện chiến lược giảm phát thải carbon ròng bằng 0.
Thứ nhất, những rủi ro vật lý do biến đổi khí hậu mang lại có thể gây tác động to lớn đối với khu vực đô thị.
Những nghiên cứu McKinsey thực hiện tại TP.HCM chỉ ra rằng tình trạng ngập lụt tại trung tâm kinh tế- thương mại lớn nhất cả nước sẽ trở nên nghiêm trọng hơn gấp 3 lần vào năm 2050 và trong 100 năm tới lũ lụt có thể ảnh hưởng 36% thành phố. Thiệt hại và tổn thất đi kèm có thể lên đến 15 tỷ USD và 20 tỷ USD. Kịch bản mực nước biển dâng lên 1,8 mét có thể nhấn chìm 66% diện tích của thành phố, có khả năng dẫn đến mất điện và đóng cửa các tuyến đường giao thông.
Thứ hai, GDP của Việt Nam cũng chịu áp lực do sự điều chỉnh của các biện pháp chuyển đổi. Việt Nam đạt được GDP cao nhờ các ngành phát thải lớn và phần lớn vốn dự trữ quốc gia gắn với nguồn nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện than đã có quy hoạch.
CẦN THAY ĐỔI VỀ TƯ DUY VÀ VẬN HÀNH
Các chuyên gia McKinsey cho rằng giảm phát thải là điều thiết yếu để Việt Nam có thể khắc phục rủi ro vật lý và kinh tế. Điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng đến năm 2050, mức phát thải của Việt Nam có thể tăng gần 4 lần nếu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo kế hoạch mà không có thay đổi về công nghệ, về công nghiệp và thực hiện thành công các thay đổi chính sách.
Mục tiêu chính sách của Việt Nam phù hợp với nhiều nước tương đồng trong Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra cam kết về phát thải cacbon ròng bằng 0. Cũng như nhiều nước khác, phát thải của Việt Nam đến từ các hệ thống năng lượng và sử dụng đất. Khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính là từ ngành điện, 30% từ công nghiệp và 10% từ hoạt động giao thông vận tải.
“Công cuộc chuyển đổi này không hề dễ dàng. Việt Nam phải đối mặt với những thách thức của toàn hệ thống và sẽ cần đầu tư đáng kể cho chuyển đổi, cũng như thay đổi lớn về tư duy và cách thức vận hành”, chuyên gia tại McKinsey nhận định.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, GS.TS. Arne Heinold, Đại học Kuhne Logistics (KLU), Đức, cho biết nếu chỉ áp dụng các giải pháp từ các quốc gia phát triển, những giải pháp có sẵn sẽ không phù hợp với Việt Nam. Bởi thách thức đối với Việt Nam là việc thu hẹp khoảng cách hạ tầng hoặc đơn giản hóa các quy định.
“Thay vì sao chép các giải pháp từ các nước phát triển, Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo mới, để tránh những “bẫy” mà các nước phát triển đang vướng phải. Việc thay đổi một hệ thống hiện tại khó khăn hơn nhiều so với việc tạo ra một hệ thống mới từ đầu. Đây là cơ hội lớn và thách thức để Việt Nam thực sự vươn lên vượt trội về mặt xanh hóa”, GS.TS. Arne Heinold khuyến nghị.
Trong khuôn khổ GEFE 2024, phát biểu tại sự kiện “Ngày Bắc Âu- Tiến tới mục tiêu xanh”, các Đại sứ Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan) cũng nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của khu vực này trong việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Theo Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng của Bắc Âu gần như cao gấp 5 lần mức trung bình của EU và tăng với tốc độ gấp 3 lần, dẫn đầu là các ngành điện, nhiệt và giao thông.
KINH NGHIỆM TỪ CÁC QUỐC GIA BẮC ÂU
Năng lượng tái tạo là những yếu tố nhất quán của bối cảnh năng lượng đang thay đổi. Hơn 3/4 lượng điện ở Bắc Âu được lấy từ nguồn năng lượng tái tạo, so với 1/3 của EU. Các quốc gia theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon theo những cách khác nhau như sinh khối ở Thụy Điển và Phần Lan, gió ở Đan Mạch, thủy điện ở Na Uy và năng lượng địa nhiệt ở Iceland.
Các nước Bắc Âu sử dụng 26% năng lượng tái tạo của thế giới, đã giảm 24% lượng khí thải kể từ năm 1990 và xếp hạng quốc tế cao trong việc thực hiện 17 mục tiêu bền vững toàn cầu. Khu vực Bắc Âu đóng góp các giải pháp đổi mới và công nghệ cao mà nhiều khu vực khác cũng có thể được hưởng lợi…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Như Quỳnh – Hải Vân (Nguồn: vneconomy.vn)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!