Với hầu bao khiêm tốn, đây là cách Netflix “săn” nhân tài của những gã khổng lồ Google, Facebook

CEO 59 tuổi của Netflix – Reed Hastings – gần đây đã chia sẻ chi tiết về “thuật dùng người” để giúp nền tảng trực tuyến này đứng vững ở thung lũng Silicon.

Chia sẻ trên CNBC, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Reed Hastings cho biết trong những năm đầu phát triển của Netflix, họ tăng tốc rất nhanh và cần tuyển dụng lượng lớn kỹ sư phần mềm. Netflix thừa hiểu việc tập hợp nhân tài chính là động lực dẫn đến thành công và quyết tâm tìm các lập trình viên giỏi nhất thị trường.

Nhưng ở thung lũng Silicon, đa số tài năng tỏa sáng nhất đều làm việc tại Google, Apple, Facebook và nhận mức lương cao ngất ngưởng. Netflix khi đó không có đủ ngân sách để chiêu dụ tất cả họ. Tuy nhiên, nhờ xuất thân là một kỹ sư, CEO Hastings đã vận dụng một khái niệm phổ biến trong ngành phần mềm từ năm 1968 gọi là “nguyên lý rock-star” (nguyên lý ngôi sao).

“Nguyên lý ngôi sao” trong tuyển dụng và quản lý nhân sự 

Nguyên lý này hình thành từ một thí nghiệm nổi tiếng, diễn ra trong một tầng hầm ở thành phố Santa Monica, California. Vào lúc 6h30 sáng, 9 lập trình viên thực tập đã bước xuống tầng hầm, nhận đề bài yêu cầu viết code và gỡ lỗi. Họ phải hoàn thành nhiệm vụ trong 120 phút.

Các nhà nghiên cứu dự kiến người giỏi nhất sẽ hoàn thành khối lượng công việc gấp 2-3 lần người kém nhất. Nhưng kết quả thật bất ngờ: người giỏi nhất đã viết code nhanh gấp 20 lần, gỡ lỗi nhanh gấp 25 lần và thực thi chương trình nhanh gấp 10 lần so với nhân viên có kết quả yếu nhất.

Nghiên cứu này gây chấn động ngành công nghiệp lập trình. Các nhà quản lý nhận ra rằng, một số lập trình viên xuất chúng có thể đáng giá hơn nhiều so với đồng nghiệp với năng lực trung bình.

Quay lại việc tuyển dụng ở Netflix, với quỹ lương cố định và chỉ tiêu cần hoàn thành, nhóm lãnh đạo nền tảng streaming này đứng trước hai phương án. Hoặc thuê 10-25 nhân viên tầm trung, hoặc thuê một lập trình viên “rock-star” và trả mức lương hậu hĩnh.

“Sau nhiều năm, tôi nhận thấy lập trình viên giỏi nhất không chỉ đáng giá gấp 10 lần mức bình quân. Người này đáng giá gấp 100 lần!”, CEO Hastings khẳng định.

 Nhà đồng sáng lập kiêm đồng CEO của Netflix từ năm 1998 - tỷ phú Reed Hastings. Ảnh: Getty

Nhà đồng sáng lập kiêm đồng CEO của Netflix từ năm 1998 – tỷ phú Reed Hastings. Ảnh: Getty

Không chỉ Hastings, còn có một tỷ phú công nghệ khác tin tưởng mạnh mẽ hơn vào nguyên lý rock-star, đó là Bill Gates. Ông thường nói: “Một người thợ tuyệt vời có thể lắp ráp nhanh gấp nhiều lần mức trung bình, nhưng một nhân viên phần mềm tuyệt vời có thể đáng giá gấp 10.000 lần mức trung bình”.

Người này còn có góc nhìn đa chiều, linh hoạt. Vì vậy khi bị mắc kẹt trong vấn đề, cô ấy (hay anh ấy) sẽ có thể thúc đẩy và khích lệ bản thân nhìn rộng ra. Đây là kỹ năng cần thiết cho mọi công việc sáng tạo.

Cuối cùng, sau khi phân tích mọi thứ, đội ngũ lãnh đạo Netflix đồng ý sẽ áp dụng nguyên lý rock-star trong quá trình tuyển nhân viên mới.

Thuật dùng người khôn ngoan của Netflix 

Đầu tiên, Netflix phân các nhiệm vụ thành 2 nhóm khác nhau: nhóm giữ vai trò vận hành và nhóm sáng tạo. Họ tin rằng khi tuyển nhân viên làm việc vận hành thì chỉ cần đưa ra mức lương trung bình. Ví dụ như một nhân viên bán kem năng nổ đến mấy cũng không thể đem về doanh số cao đột biến. Người này chỉ cần đảm bảo mọi thứ vận hành trơn tru là được.

“Năm 2003, chúng tôi không có nhiều tiền nhưng có quá nhiều mục tiêu phải hoàn thành. Vì vậy cần phải suy tính cẩn trọng. Chúng tôi quyết định chỉ đưa ra mức lương trung bình đối với công việc vận hành, dù chức danh có hấp dẫn đến đâu đi nữa”, trích lời Hastings.

 Netflix được đánh giá là nơi có môi trường làm việc cạnh tranh và sáng tạo bậc nhất thung lũng Silicon hiện nay. Ảnh: Glassdoor

Netflix được đánh giá là nơi có môi trường làm việc cạnh tranh và sáng tạo bậc nhất thung lũng Silicon hiện nay. Ảnh: Glassdoor

Còn với công việc sáng tạo, Netflix dồn tiền trả mức lương cao bậc nhất thị trường để có được 1 nhân viên xuất chúng, thay vì thuê hơn 10 nhân viên tầm trung.

Kết quả đem lại sẽ là một lực lượng lao động tinh gọn. “Chúng tôi trông chờ vào một nhân viên duy nhất để gánh vác công việc của hàng chục người, nhưng cũng trả mức thu nhập xứng đáng. Từ đó về sau, Netflix luôn dùng cách thức trên khi tuyển người. Nó đem lại thành công vượt trội. Chúng tôi luôn có nhiều sáng kiến mới và công ty tăng trưởng rất nhanh”, vị CEO chia sẻ.

Ngoài ra, lực lượng lao động tinh gọn còn đem về nhiều lợi ích khác. Quản lý con người là chuyện khó khăn và mệt mỏi. Quản lý nhân sự tầm trung thực ra luôn khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn. Bằng cách duy trì bộ máy tinh gọn, mỗi sếp ở Netflix có ít nhân viên hơn và luôn quản lý sát sao, hiệu quả nhất có thể.

Đối với một tập thể có ít nhân viên nhưng toàn những người xuất sắc, họ sẽ hoàn thành công việc tốt hơn và nhanh hơn! Netflix chính là một ví dụ điển hình cho việc này khi giữ được tốc độ phát triển đáng nể và trở thành thương hiệu công nghệ hàng đầu ở thung lũng Silicon.

Contact CEO Club

Footer Subheading

Contact Information
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928