Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính lên tới đỉnh điểm, GE đã nhận khoản đầu tư 3 tỷ USD từ Buffett. Theo Wall Street Journal, với khoản đầu tư này Buffett đã kiếm lời khoảng 1 tỷ USD.
Tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vừa rút vốn khỏi General Electric .
Tập đoàn lâu đời nhất nước Mỹ vừa trải qua quý II không mấy vui vẻ với hoạt động kinh doanh tiếp tục ảm đạm và hãng cũng phải chi tay với CEO kỳ cựu Jeffrey Immelt. Trong bối cảnh ấy, Berkshire Hathaway của Buffett đã quyết định bán toàn bộ số cổ phiếu GE có giá trị 315,4 triệu USD mà Berkshire Hathaway đang nắm trong tay. Trước đó Berkshire đang sở hữu khoảng 10,6 triệu cổ phiếu GE.
Đồng thời Buffett lại đặt niềm tin vào 1 công ty mà GE đã từ bỏ. Ông mua vào 521 triệu USD cổ phiếu của Synchrony Financial, công ty cung cấp thẻ tín dụng gắn với thương hiệu cá nhân lớn nhất nước Mỹ mà GE đã sở hữu suốt 80 năm trước khi chia tách nó vào năm 2015 nhằm giảm quy mô mảng tài chính.
Khoản đầu tư 3 tỷ USD mà GE nhận được từ Berkshire là 1 con số không đáng kể nếu đem so sánh với quy mô của cả Berkshire (giá trị vốn hóa 432 tỷ USD) và GE (217 tỷ USD) hay so với hoạt động kinh doanh phủ rộng nhiều ngành từ năng lượng đến y tế và hàng không của GE. Tuy nhiên, đánh mất lòng tin của một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới lại là chuyện không hề nhỏ.
Động thái của Buffett được cho là nhấn mạnh thêm những bất ổn mà một trong những tập đoàn lâu đời nhất, có cổ phiếu thuộc hàng blue-chip đang gặp phải. Cùng với sự xáo trộn trong bộ máy quản lý diễn ra sớm hơn dự đoán ban đầu, có thể ví như kỷ nguyên bùng nổ đang dần khép lại trước mặt GE.
Stephen Tusa Jr., chuyên gia phân tích tại JPMorgan, trong báo cáo hồi tháng 7 cũng viết rằng tương lai của GE khá mơ hồ. “Có thể mong chờ 1 khởi đầu tươi mới (sau khi Immelt rời khỏi vị trí CEO), nhưng GE sẽ không thể nhanh chóng và dễ dàng sửa chữa tình trạng hiện tại.
Tân CEO John Flannery của GE đang phải đối mặt với nhiệm vụ rất khó khăn là tìm ra hướng đi đúng đắn và đẩy tăng lợi nhuận cho tập đoàn đã 125 năm tuổi.
Từ đầu năm đến nay cổ phiếu GE đã bị bỏ lại phía sau, sụt giảm 20% trong khi chỉ số S&P 500 tăng 9%.
GE chi trả cổ tức khá hậu hĩnh, nhưng trong 3 năm gần đây cổ phiếu này chỉ mang về cho nhà đầu tư mức lợi suất khiêm tốn 9%, thấp hơn nhiều so với mức 35% của chỉ số S&P 500.
JPMorgan cho rằng những vấn đề của GE sẽ không dễ được giải quyết. “Thực hiện những khoản đầu tư sai thời điểm để đuổi theo các thị trường mới nổi, quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của những quốc gia giàu tài nguyên và chủ quan về thị phần là những lý do khiến GE rơi vào tình trạng dư thừa công suất trong các ngành điện/dầu khí/vận tải.
Một sai lầm khác của GE dưới thời Immelt là không thể phản ứng nhanh với những bong bóng trên thị trường cũng như các xu hướng thay đổi trong ngành. Đó là bong bóng turbine gas trong đầu những năm 2000, bong bóng dầu khí, đầu máy xe lửa…
“Vì nhiều lý do, lãnh đạo cấp cao của GE gần như không bao giờ có thể đi trước đón sóng khi thị trường có bước ngoặt. Chắc chắn là họ có đầy đủ kỹ năng, nhưng GE tỏ ra đặc biệt mong manh vì bước vào quá chậm”.
Giờ thì GE đang đứng trước bước ngoặt của chính mình. Theo Tusa, để thành công giống như những gì đã làm được ở mảng y tế, Flannery sẽ phải mạnh tay bán bớt tài sản, tăng lợi nhuận thặng dư và giảm một nửa khoản đầu tư khổng lồ vào mảng kỹ thuật số.
Trong khi đó Credit Suisse cho rằng GE chỉ bị hiểu lầm chứ không phải đã đổ vỡ, và sự thay đổi trong ban lãnh đạo có thể giúp đẩy tăng cổ phiếu này. Và, Buffett không phải lúc nào cũng phán đoán đúng. Tuy nhiên, dù sao thì, rõ ràng khi mà cả Immelt và Buffett đã ra đi, GE đang khép lại 1 kỷ nguyên cũ.
Thu Hương (Trí thức trẻ)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!