WSJ: Apple muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc

Nhà sản xuất iPhone nói với các nhà cung ứng rằng hãng này muốn sản xuất nhiều hơn ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Apple nói với một số đối tác sản xuất của mình rằng hãng này muốn thúc đẩy hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Chính sách phòng chống COVID-19 chặt chẽ của Trung Quốc là một trong những lý do cho mong muốn này, WSJ dẫn lời nguồn tin thân cận cho biết.

 Một Apple Store của Apple tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Nguồn tin nói thêm rằng Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số các quốc gia được chú ý nhiều hơn trong bối cảnh Apple tìm kiếm các “cứ điểm” sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Hiện tại, Ấn Độ và Việt Nam cũng đã chiếm một phần nhỏ trong năng lực sản xuất toàn cầu của Apple.

Theo các nhà phân tích, hơn 90% các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad và MacBook đang được sản xuất ở Trung Quốc thông qua các đối tác bên thứ 3. Các nhà phân tích nhận định việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là một rủi ro lớn với Apple.

Về phần mình, người phát ngôn của Apple từ chối bình luận về thông tin nói trên. Hồi tháng 4, khi nói về chuỗi cung ứng của Apple, Tim Cook, CEO Apple, chia sẻ rằng: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự mang tính chất toàn cầu và vì thế các sản phẩm được sản xuất ở mọi nơi”. Ông nói thêm rằng Apple vẫn “tiếp tục tìm cách tối ưu điều đó”.

Thực tế, Apple đã bắt đầu tìm cách đa dạng hoá hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc từ trước khi COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Dù vậy, đại dịch đã làm kế hoạch này trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Đến nay, Apple đang tiếp tục thúc đẩy mục tiêu của mình và yêu cầu các đối tác sản xuất phát triển thêm các năng lực sản xuất mới.

Các lệnh phong toả do COVID-19 ở Trung Quốc đang trở thành nút thắt cung ứng với nhiều công ty Phương Tây. Hồi tháng 4, Apple cảnh báo rằng COVID-19 có thể sẽ có tác động tới 8% doanh số bán hàng của hãng này trong quý II/2022.

Mặc dù nhiều công ty khác cũng có mối quan ngại giống Apple song quy mô của Apple khiến hãng này có sức mạnh đàm phán cao hơn với các đối tác sản xuất, ông Ming-chi Kuo, một nhà phân tích chuỗi cung ứng tại TF International Securities, chia sẻ. “Chỉ duy nhất một công ty như Apple có thể tạo ra sức ép dịch chuyển chuỗi cung ứng như thế”, ông nhận định.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn khẳng định Apple có nhiều lý do để vẫn phải gắn bó với Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất như lực lượng lao động tay nghề cao, chi phí thấp hơn so với Mỹ và mạng lưới các nhà cung ứng linh kiện đa dạng khó tìm thấy được trên thế giới trong nhiều năm tới.

Trừ trường hợp của Ấn Độ, số lượng nhân công tay nghề cao ở Trung Quốc thậm chí lớn hơn dân số của nhiều quốc gia Châu Á. Chính quyền địa phương Trung Quốc cũng làm việc sâu sát với Apple để đảm bảo các đối tác sản xuất của hãng này có đủ đất, nhân công và các nguồn cung ứng khác cho hoạt động sản xuất.

Mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Bắc Kinh muốn trở thành điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài.

Một lợi thế khác là Apple có thể bán nhiều thiết bị sản xuất tại Trung Quốc cho người dùng ở chính quốc gia này. Hiện tại, Trung Quốc có thể chiếm tới 20% doanh số bán ra trên toàn cầu của Apple. Tháng 1 năm nay, Tim Cook tiết lộ Apple có 4 chiếc điện thoại bán chạy nhất ở thị trường thành thị Trung Quốc.

“Với quy mô thị trường nội địa và hệ sinh thái sản xuất trưởng thành, Trung Quốc vẫn sẽ dẫn đầu cuộc đua và xử lý nhiều hơn các công đoạn giá trị gia tăng cho các công ty như Apple”, một chuyên gia có liên quan trong chuỗi cung ứng của Apple nhận định.

Một số nguồn tin cho biết Apple nhìn nhận Ấn Độ là phương án khả thi có nhiều đặc điểm tương tự Trung Quốc nhất vì dân số đông và chi phí lao động thấp.

Hiện tại, Foxconn Technology Group và Wistron Corp đều đã có những nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone cho thị trường nội địa. Hồi tháng 4, Apple nói rằng hãng này cũng đã bắt đầu sản xuất thế hệ iPhone mới nhất (iPhone 13) ở Ấn Độ.

Một vấn đề với Ấn Độ là những khó khăn mà các nhà sản xuất Trung Quốc thể gặp phải khi mở nhà máy ở thị trường này do các căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ gần đây.

Vì lý do này, các nhà sản xuất Trung Quốc có quan hệ với Apple đang tìm kiếm các cơ hội ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác, nguồn tin nói. Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc và hiện đã là một địa điểm sản xuất quan trọng của Samsung.

Năm ngoái, Ấn Độ sản xuất 3,1% số lượng iPhone. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 6% đến 7% trong năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc sản xuất phần lớn số lượng còn lại.

Một đối tác sản xuất của Apple là Luxshare Precision Industry Co đang sản xuất AirPods cho Apple tại Việt Nam.

Trong một cuộc tiếp xúc gần đây với giới đầu tư, lãnh đạo Luxshare cho biết một số khách hàng của họ đang lo lắng với các vấn đề như các lệnh hạn chế do đại dịch và thiếu hụt điện năng (ý chỉ các vấn đề ở Trung Quốc). Luxshare không nêu đích danh các khách hàng này.

Luxshare cho biết các khách hàng đang yêu cầu đối tác sản xuất mở rộng ra bên noài Trung Quốc khi thực hiện giai đoạn giới thiệu sản phẩm mới (một công đoạn sản xuất gọi là NPI). Trong giai đoạn này, các đối tác sẽ chuyển thể máy mẫu và bản vẽ sản phẩm thành kế hoạch sản xuất chi tiết.

Apple nói với các đối tác rằng hãng này muốn thực hiện hoạt động NPI bên ngoài Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, các nhà máy bên ngoài Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát triển thành các trung tâm sản xuất toàn diện thay vì sao chếp các mô hình có sẵn ở Trung Quốc.

Quá trình này đòi hỏi nhiều đầu tư của các nhà cung ứng và điều này đặc biệt khó hơn trong giai đoạn kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định như hiện tại (giá trị hàng hoá cao, xung đột Ukraine và thị trường chứng khoán u ám).

Nguồn:Vietnambiz

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928