Việc chuyển từ giai đoạn cuối của sự bùng nổ do đại dịch Covid-19 đến những cú sốc kinh tế do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine và khủng hoảng năng lượng cho thấy, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với ngành thương mại điện tử…
Ảnh minh họa.
Trong năm 2023, giới phân tích cho rằng để phát triển mạnh trong không gian thương mại điện tử hiện nay, các doanh nghiệp cần nỗ lực đi đầu và áp dụng các xu hướng mới nổi. Trong đó, thương mại điện tử bền vững sẽ trở thành xu thế nổi bật.
Theo Giám đốc điều hành công ty phần mềm vận chuyển Sendcloud, ông Rob van den Heuvel, việc ký kết “Thỏa thuận xanh châu Âu” đã buộc các công ty phải hành động, đầu tư vào vận chuyển xanh và bao bì bền vững. Điều này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
ÁP LỰC PHẢI THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
“Thương mại điện tử bền vững sẽ không ngừng phát triển”, Mark Bastiaansen, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn vận chuyển Shiptizes, đồng tình cho rằng: “Nhiều mô hình hiện đang được thử nghiệm, từ kho siêu tiêu điểm đến giao hàng bằng máy bay không người lái, dịch vụ giao hàng đô thị thân thiện với môi trường và nhiều dịch vụ khác. Nhưng một phần lớn tác động tới môi trường của thương mại điện tử là ở bao bì, vì vậy chúng ta nên bắt đầu giải quyết từ vấn đề này”.
Sự tăng trưởng của thương mại điện tử có nghĩa là việc sản xuất bao bì tăng và tác động của nó đối với môi trường cần phải trở nên thân thiện hơn. “Trước đây, một nhà sản xuất sẽ gửi một kiện hàng gồm 12 sản phẩm tới cửa hàng bán lẻ, mở hộp và đóng lại hộp rỗng để tái chế”, Dennis Salazar, chủ tịch của công ty bao bì đóng gói Salazar Packaging nhớ lại. “Nhưng hiện nay, 12 sản phẩm đó được vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng nhờ thương mại điện tử và nhà sản xuất phải tạo ra 12 cái hộp để đựng 12 sản phẩm. Tất nhiên, 12 hộp nhỏ hơn so với một kiện 12 gói, nhưng có bao nhiêu trong số chúng được tái chế?”
Trung bình, mỗi người châu Âu tạo ra gần 180 kg rác thải bao bì mỗi năm. Bao bì là ngành sử dụng vật liệu nguyên sinh chính, vì 40% nhựa và 50% giấy được sử dụng ở EU là dành cho bao bì. EU cho rằng nếu không hành động, lượng rác thải bao bì sẽ tăng thêm 19% và rác thải bao bì nhựa tăng khoảng 46% vào năm 2030.
Bao bì trong thương mại điện tử cao gấp 6 lần so với lượng rác thải bỏ đi sau khi mua các sản phẩm tại cửa hàng.
Hưởng ứng “Thỏa thuận xanh châu Âu”, đầu năm 2022 là thời điểm tất cả các nhà hàng, quán cà phê tại Hàn Quốc phải thực hiện lệnh cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần, sau hai năm đại dịch khiến đơn hàng giao tại nhà gia tăng. Cũng trong năm 2022, Chile đã chính thức cấm sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần, bao gồm cả hộp đựng thực phẩm và ống hút khi khách hàng mua đồ ăn mang đi. Chile ước tính sẽ giảm được khoảng 23.000 tấn rác nhựa mỗi năm nhờ lệnh cấm này.
Từ đầu tháng 12/2022, Canada cũng ban hành lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu các loại đồ nhựa dùng một lần. Theo lộ trình, đến tháng 6/2023, các loại đồ uống có ống hút và tay xách nhựa sẽ bị cấm nhập khẩu hoàn toàn và sẽ cấm bán hoàn toàn vào giữa năm 2024…
Theo báo cáo năm 2022 của Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr, chính người tiêu dùng cũng đang yêu cầu các nhà bán lẻ sử dụng bao bì có thể tái chế và bền vững cho các sản phẩm của họ khi giao dịch mua hàng trực tuyến lẫn trực tiếp. Bởi trên thực tế, bao bì thương mại điện tử là cội nguồn tạo ra số lượng chất thải lớn nhất của toàn ngành, cao gấp 6 lần so với lượng rác thải bỏ đi sau khi mua các sản phẩm tại cửa hàng.
Theo đó, 86% số người được hỏi nói rằng họ có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững; 77% mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai… Tóm lại, nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu. Do vậy, nếu tính bền vững và bao bì ít chất thải chưa phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, thì ưu tiên đó cần xuất hiện từ năm 2023 trở đi…
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!