Tóm tắt:
Khi một quỹ lớn bán ra, giá cổ phiếu sẽ giảm, nên tính cả phần lỗ này vào chi phí giao dịch của quỹ trên.
Sau khi tính tới chi phí kể trên, quỹ nào chi phí càng cao, lợi tức càng thấp.
Nhà đầu tư cá nhân có vẻ đã học được bài "hạn chế giao dịch", còn các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp thì không
Gọi đó là "hiếu động", hay "táy máy", tùy bạn. Các vị Tổng giám đốc vẫn hay mua đi bán lại công ty chỉ để người ta biết mình cũng đang làm việc.
Các nhà quản lý quỹ cũng thế, cả ngày ngồi canh thị trường chẳng nhẽ lại ngồi im. Không mua không bán thì đến văn phòng làm gì?
Nhưng cứ giao dịch là tốn chi phí, và không chỉ là các loại phí vẫn công bố cho nhà đầu tư vào quỹ.
Khi một quỹ lớn bán phần vốn góp của mình trong một công ty nhỏ, giá cổ phiếu sẽ giảm đáng kể vì cung vượt cầu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các chi phí tiềm ẩn dạng này trung bình còn cao hơn cả chi phí mà quỹ công bố và làm giảm đáng kể lợi suất đầu tư.
Các nhà nghiên cứu khảo sát số liệu của 1.758 quỹ đầu tư cổ phiếu tại Mỹ từ năm 1995 đến 2006. Họ ước tính chi phí giao dịch bằng cách xem xét sự thay đổi của danh mục đầu tư (công bố hàng quý), kiểm tra chênh lệch giá chào mua-chào bán của các cổ phiếu có liên quan và tính toán xem giao dịch ấy tác động tới giá cổ phiếu thế nào.
Chỉ dựa vào thống kê mức độ thay đổi danh mục đầu tư (portfolio-turnover) thôi không đủ. Cổ phiếu nhỏ kém thanh khoản hơn cổ phiếu các công ty đa quốc gia, nên chi phí giao dịch cổ phiếu vốn hóa nhỏ lớn hơn nhiều.
Nghiên cứu cho thấy chỉ số tổng chi phí (total expense ratio) của quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ và quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa lớn) chỉ chênh nhau có 0,32% (1,39% so với 1,07%).
Nhưng nếu tính tới tác động của giao dịch tới giá, chỉ số này chênh nhau tới hơn 2% (3,17% so với 0,84%).
Sự nhiệt tình mang tính phá hoại
Chi phí cao chẳng phải vấn đề gì lắm nếu giao dịch là chính xác, tiếc là không.
Khi các nhà nghiên cứu so sánh lợi tức của từng quỹ với chi phí giao dịch ước tính, họ phát hiện thấy quỹ nào có chi phí lớn nhất thường đem lại lợi tức thấp nhất. Chênh lệch giữa nhóm 25% quỹ có chi phí cao nhất với 25% quỹ có chi phí thấp nhất lên tới 1,78%/năm.
Dù ai cũng biết giao dịch quá nhiều sẽ làm lợi tức giảm, nhưng càng ngày các nhà quản lý quỹ càng 'hiếu động'. Vào thập niên 1950, tỷ lệ thay đổi danh mục đầu tư chỉ là 15%, đến năm 2011, tỷ lệ này đã lên tới khoảng 100%.
Ngược lại, một nghiên cứu khác lại cho thấy nhà đầu tư cá nhân dường như đã học được bài học trên.
Nghiên cứu này khảo sát dữ liệu của khoảng 11,6 triệu nhà đầu tư Ấn Độ từ năm 2004 đến năm 2012. Theo đó, các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nhất (tức những người có tài khoản đầu tư lâu nhất) dần dần cải thiện được thành tích.
Họ thường thích giữ cổ phiếu "giá trị" và ít khi bán cổ phiếu nào đã tăng mạnh nhưng lại tiếp tục 'om' cổ phiếu nào mất giá. Họ cũng ít giao dịch hơn, thực tế thì nhà đầu tư cá nhân nào lỗ nặng vì quá "hiếu động" thường sau đó sẽ điều chỉnh chiến lược đầu tư và thực hiện ít giao dịch hơn.
Do đâu?
Thế thì vì sao các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp vẫn giữ thói quen xấu này?
Nguyên nhân thứ nhất có thể là vì sau khi sa thải nhà quản lý kém và thuê một nhà quản lý mới, người này sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư theo ý thích của mình và tạo ra chi phí giao dịch lớn. Nói cách khác, kết quả đầu tư tồi khiến chi phí giao dịch lớn, chứ không phải ngược lại.
Thứ hai, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân coi giao dịch cổ phiếu là một sở thích, còn với nhà quản lý quỹ, đó là một nghề. Nhà quản lý quỹ tin vào năng lực của mình hơn và rơi vào "ảo giác kiểm soát": họ nghĩ mình càng chủ động giao dịch, càng kiếm được nhiều tiền.
Thứ ba, có thể đơn giản chỉ là vì nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp không quan tâm lắm tới tổng chi phí giao dịch vì con số ấy không được công bố. Khách hàng chỉ phát hiện được giao dịch nhiều khiến lợi tức thu về kém sau khi họ đã đầu tư, lúc ấy thì đã quá muộn.
Theo các nhà nghiên cứu, có một cách để khắc phục tình trạng bất cân xứng thông tin kể trên, đó là yêu cầu tính toán một con số "tỷ lệ thay đổi danh mục đã điều chỉnh theo vị thế" ("position-adjusted turnover").
Cụ thế, lấy giá trị danh mục đầu tư của quỹ so sánh với giá trị danh mục đầu tư trung bình của các quỹ cùng thể loại (ví dụ như quỹ vốn hóa lớn, vốn hóa nhỏ, …), sau đó so sánh nó với tỷ lệ thay đổi danh mục đầu tư.
Rõ ràng, quỹ nào nắm lượng cổ phiếu lớn và thường xuyên giao dịch thường sẽ có lợi tức kém hơn. Những người chuyên tư vấn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ như tư vấn tài chính hay nhân viên dịch vụ ngân hàng cá nhân nên quan tâm tới con số này.
Còn về phía cơ quan quản lý, họ nên tìm cách để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận những con số ấy hơn.
Minh Tuấn
Theo Trí Thức Trẻ/The Economist