Năm 2010, bầu trời tối sầm lại với Japan Airlines
Japan Airlines Co., Ltd. (JAL) là hãng hàng không quốc tế và cũng là niềm tự hào của Nhật Bản dù trải qua biết bao thăng trầm sóng gió. Hãng được thành lập năm 1951 do chính phủ muốn vực dậy nền kinh tế sau Đệ nhị thế chiến. 3 năm sau, JAL trở thành hãng hàng không quốc gia.
Hơn 30 tiếp, công ty từ sở hữu của nhà nước đã được tư nhân hóa hoàn toàn (năm 1987). Đến năm 2002, JAL lại sáp nhập với Japan Air System (lớn thứ ba Nhật Bản) để trở thành hãng hàng không lớn thứ sáu thế giới lúc bấy giờ về lượng hành khách. Tuy nhiên, trên bầu trời xứ hoa anh đào vẫn luôn có một đối thủ đáng gờm khác – All Nippon Airways. Trong lúc JAL suy yếu, tập đoàn này liền chớp thời cơ để “lật đổ ngôi vương” và trở thành hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản đến nay.
Nếu bạn còn nhớ thì trận cuồng phong tồi tệ nhất mà hãng bay JAL phải trải qua chính là giai đoạn 2009 – 2010. Khi ấy, dù doanh thu vẫn đứng hàng đầu châu Á nhưng JAL lại hứng chịu những đợt thua lỗ nghiêm trọng do chi phí vận hành quá lớn, tổng mức nợ lên tới 2.000 tỷ yên. JAL bị dồn vào đường cùng phải cắt giảm nhân sự, đóng băng hàng loạt chuyến bay và thậm chí đưa ra đề xuất sáp nhập với các hãng hàng không trong nước lẫn quốc tế (gồm cả “đại kình địch” All Nippon Airways) nhưng đều không đi đến đâu.
Cuối cùng, JAL phải vịn vào Luật phục hồi doanh nghiệp. Theo đó, hãng nhận lấy 300 triệu yên từ chính phủ và được xóa nợ 730 triệu yên – đổi lại sẽ cắt vốn về 0, loại bỏ những đường bay không lợi nhuận và sa thải 15.700 nhân viên (chiếm 1/3 nhân sự lúc đó). Cái tên JAL biến mất khỏi bảng niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo vào hôm 20/1/2010 dù từ trước luôn được mệnh danh là “cổ phiếu blue-chip xanh nhất trên bảng niêm yết”, tức vô cùng đáng tin tưởng và ít rủi ro. Nhưng việc đã rồi, JAL trở thành vụ phá sản lớn thứ 4 trong lịch sử Nhật Bản.
Dù vậy, chỉ hơn 1 năm sau, người ta lại thấy dấu hiệu đội bay JAL tái xuất trên bầu trời xứ Phù tang. Đến năm 2012, công ty đã trở mình thành công và tái gia nhập thị trường. Đợt IPO lúc ấy, JAL thu về 8,5 tỷ đô, trở thành công ty phát hành lớn thứ 2 của năm trên toàn thế giới chỉ sau Facebook.
Điều gì đã khiến cho một hãng hàng không phá sản, đứng trên bờ vực lụn bại và sụp đổ để có thể vươn mình cất cánh một lần nữa? Không gì khác ngoài yếu tố con người, mà nhân vật quan trọng nhất, được xem như anh hùng – chính là ngài Yoshiharu Ueki.
Trong nỗ lực tìm kiếm cứu cánh cho JAL, hội đồng quản trị đã đưa ra quyết định táo bạo. Họ bổ nhiệm Yoshiharu Ueki cho vị trí Chủ tịch kiêm người đại diện chính thức. Ông là phi công đầu tiên đảm nhận trọng trách này.
Từng là một cơ trưởng, Ueki đã trải qua không ít phen trời nổi giông tố, nhưng lần này ông đang ở một cương vị mới. Nhiệm vụ dẫn dắt hãng hàng không quốc gia sẽ vô cùng khó khăn, khi “đội bay” Japan Airlines đang lao vào vùng nhiễu loạn!
Năm 2010, một chân trời mới mở ra cho Yoshiharu Ueki – vị chủ tịch tái sinh Japan Airlines bằng sự quyết đoán tuyệt đối.
Yoshiharu Ueki sinh năm 1952, chỉ một năm sau khi công ty Japan Airlines ra đời. Ông có bố là diễn viên nổi tiếng của hãng phim Toei. Khi còn nhỏ, Yoshiharu thường đến xưởng phim gần nhà và chơi trò đánh trận giả. Mặc dù có những cậu con trai nghịch ngợm, hiếu động nhưng mẹ của Yoshiharu chẳng bao giờ ngăn cản lũ trẻ làm điều gì chúng muốn.
Khi Yoshiharu muốn chơi đàn violin, mẹ cậu dẫn đến tiệm nhạc cụ ngay hôm đó. Tuy nhiên, một nguyên tắc trong gia đình là khi đưa ra bất kì quyết định nào, các đứa trẻ sẽ phải theo đuổi nó trong ít nhất 3 năm. Từ đó, Yoshiharu dần định hình và nuôi giữ triết lý lớn của mình: “Your Life, Your Choice” – Cuộc đời này là của bạn, sự lựa chọn cũng là của bạn. Vì vậy trước mỗi ngã rẽ phía trước mà mình phải chọn, hãy quyết định thật dứt khoát nhưng đồng thời có trách nhiệm với bản thân, đi đến cùng con đường.
Mùa hè năm thứ hai ở trung học, Yoshiharu lại bất ngờ muốn du lịch châu Âu một mình. Cậu được mẹ mua vé máy bay rồi vi vu trời Âu suốt 3 tháng, làm quen rất nhiều bạn mới. Sự háo hức và quyến luyến bằng hữu lớn đến nỗi cậu thiếu niên muốn gặp lại bạn nhiều lần nữa.
Vốn có suy nghĩ trực diện, Yoshiharu nghĩ rằng cách tốt nhất để biến ước muốn đó thành hiện thực là… trở thành phi công! Sau này cậu vẫn giữ nguyên ý định và được mẹ ủng hộ, cũng với lời nhắn nhủ ngắn gọn: “Mọi chuyện sẽ rất khó khăn đấy, nhưng mẹ biết là con nghiêm túc với nó”. Vậy là ngay trong tuần, chàng trai Yoshiharu bước chân vào học viện hàng không Miyazaki và chính thức hiện thực hóa ước mơ được bay trên bầu trời.
Năm 1975, Yoshiharu tốt nghiệp học viện, gia nhập Japan Airlines và dần tiến tới vị trí cơ trưởng trong suốt 17 năm. Ông được cất nhắc lên làm quản lí từ năm 2008.
Yoshiharu vô cùng trăn trở nhưng kiên định trước trọng trách của mình. Ông nói: “Sau 35 năm ở Japan Airlines, tôi đã thật sự nhận ra niềm đam mê của mình đối với công việc. Đó là đương đầu với những lựa chọn mang tính sống còn. Với sinh mạng của 500 hành khách nằm trong tay, sứ mệnh của tôi vô cùng quan trọng, chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ liên lụy đến hàng trăm người vô tội. Vì vậy phải cẩn thận tuyệt đối nhưng điều ấy cũng khiến tôi kiêu hãnh vô cùng về nghề nghiệp của mình”.
Dù rất tâm huyết với sự nghiệp ở JAL nhưng ông Yoshiharu thừa nhận mình chỉ giỏi nhất ở trong… buồng lái. Trong khi đó, trở thành người dẫn dắt công ty lại là một nhiệm vụ khác biệt.
Lúc đó, Yoshiharu có thể từ chối lời đề nghị của hội đồng quản trị để đầu quân sang hãng bay khác. Tuy nhiên, cựu phi công không muốn nơi mình dành cả đời cống hiến phải kết thúc trong đau đớn. “Điều tôi quan tâm nhất là không phải nhìn thấy JAL bị hủy hoại. Nếu có thể giúp cải tổ công ty, vậy tôi sẽ bước ra khỏi buồng lái – khỏi cái vị trí như được sinh ra dành cho mình – để nghe theo lời hiệu triệu mới”.
Đưa ra quyết định và kiên trì với nó – đây chính là quan niệm sống đáng chú ý nhất khi nói về vị chủ tịch của JAL. Và ở cương vị mới, ông cũng tuyên bố ngay: “Dù mặt trời có mọc ở đằng Tây, Japan Airlines cũng sẽ không suy tàn”. Câu nói thể hiện sự quyết tâm và vô cùng tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, dù ngay trước mắt vẫn là những đám mây xám ngắt.
Căn cứ vào đâu mà ông lại có lòng tin vào một công ty đã phá sản, tin vào năng lực tái sinh của mình nhiều đến thế? Thật ra, việc gì cũng có lí do của nó, không phải tự nhiên mà Yoshiharu được gọi tên cho “chiếc ghế quyền lực” của hãng hàng không quốc gia.
Chủ tịch Yoshiharu Ueki được biết đến như người hùng giúp Japan Airlines cất cánh trở lại với những cải tổ triệt để – bao gồm cắt giảm nhân sự và thay đổi tinh thần làm việc của nhân viên. Ông nhận xét rằng, trước đó công ty đã phụ thuộc quá nhiều vào chính phủ và mọi người vẫn còn bàng quan trước sự sinh tồn của tập thể. Các biện pháp tái thiết của vị chủ tịch này tuy mạch lạc, “thẳng tay” nhưng môi trường làm việc vẫn được ông giữ cho ôn hòa, gần gũi và tràn đầy sự lạc quan.
Yếu tố này thật sự cần thiết vì hàng không là một ngành kinh doanh đầy biến động, rất khó để hoạch định những kế hoạch rõ ràng cho JAL. Thậm chí mỗi ngày trôi qua, cả công ty vẫn tự hỏi sáng mai điều gì sẽ xảy ra tiếp theo…
Năm 2010, JAL phá sản. Năm tiếp theo, toàn Nhật Bản trải qua đại động đất phía đông. Năm 2012, công ty xuất hiện trở lại trên sàn giao dịch nhưng 2 thị trường quan trọng là Hàn Quốc và Trung Quốc gặp khó khăn do những vấn đề ngoại giao. Làn sóng tẩy chay Nhật Bản khiến các chuyến bay đến nước này sụt giảm nghiêm trọng. Đồng yên suy yếu trước đô la Mỹ cũng làm tình hình tồi tệ thêm vì hãng bay phải mua nhiên liệu bằng Mỹ kim, khiến nợ nước ngoài của JAL tăng thêm 20% và chi phí bay của hành khách cũng đội lên.
Khó khăn chồng chất khó khăn, rất khó để hoạch định một kế hoạch chi tiết cho JAL. Thế nên ngài chủ tịch quyết định sẽ theo cách mà ông vẫn làm khi còn là… phi công! Tức là đã có điểm đi và điểm đến, nhưng chẳng ai biết được sẽ có điều bất ngờ gì xảy ra trong khoảng không giữa chừng. Khi ấy, người phi công sẽ tạm quên đi kiến thức và đơn thuần tin vào bản năng của mình – thứ đã được tôi luyện qua hàng ngàn giờ bay. Lèo lái một công ty cũng như vậy, có thể dựa vào sách vở nhưng không được áp dụng khô cứng.
Trong những năm đầu vực dậy sau phá sản, JAL từ bỏ tham vọng trở thành hãng bay lớn nhất mà thiết lập mục tiêu làm sao có lợi nhuận nhất. Và họ đã quyết tâm kiếm lời bằng một phương châm vô cùng đơn giản: tối ưu doanh thu, tối thiểu chi phí. Thật ra vào lúc khốn cùng, những nguyên tắc giản đơn lại giúp dễ khắc nhớ và tỏ ra hiệu quả đáng kinh ngạc. Cùng năm xảy ra thảm họa động đất 2011, JAL lại chứng kiến lợi nhuận đạt mức kỷ lục từ trước đến nay – vào khoảng 2,6 tỷ đô la Mỹ.
Đến nay, Japan Airlines xếp vị trí thứ 22 trong số những hãng bay lớn nhất quốc tế (All Nippon Airways hạng 14). Xét về những hàng bay tốt nhất thế giới, Japan Airlines xếp hạng 11 còn đối thủ All Nippon Airways ở hạng 3. Rõ ràng là hàng ngàn tỷ yên, uy tín thương hiệu, hàng triệu hành khách và các vị trí đỗ đắt giá ở sân bay đã bị All Nippon Airways “vơ vét” từ tay Japan Airlines sau cú ngã đau năm 2010. Đến giờ, khoảng cách giữa 2 đối thủ vẫn còn cách biệt lớn.
Trước tình trạng kinh tế đi xuống và dân số già hoá, nhiều công ty lão làng của nước Nhật đã vấp phải khó khăn, buộc lòng phải cải tổ toàn diện để thích ứng với môi trường mới. Điểm chung dễ thấy của họ là luôn lấy con người – các nhân viên và khách hàng của mình – làm cội rễ để tiếp tục “đơm hoa kết quả”.
Người Nhật quan niệm khi mỗi nhân viên làm việc với điềm đam mê thực sự, họ mới có đủ sức đi đường dài và lan tỏa niềm vui đến các khách hàng của mình. Cũng giống như Yoshiharu có niềm tin “Your Life, Your Choice” – ông muốn nhân viên của mình cùng chia sẻ điều đó. Họ vừa có sự tự do vừa phải ràng buộc cùng công ty một khi đã bước đi cùng nhau. Họ được tạo môi trường làm việc cởi mở, đa dạng nhưng đổi lại là sự tận hiến cho Japan Airlines chứ không thể chăm chăm “làm công ăn lương”, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Đối với Japan Airlines, chủ tịch Yoshiharu ngay sau khi ngồi ở ghế lãnh đạo đã chỉ ra sự lao dốc của công ty đến toàn thể nhân sự. Mục đích của ông nhằm khiến họ hiểu rằng, chỉ khi nào thái độ làm việc của mỗi người thay đổi thì toàn JAL mới tiếp tục tồn tại được.
“Hầu hết nhân sự đều làm việc trên các chuyến bay, họ tương tác trực tiếp với khách hàng. Vì vậy, nhất định tôi phải khơi dậy cho nhân viên bầu nhiệt huyết. Có vậy, tôi mới tự tin mình sẽ lãnh đạo tốt với vai trò chủ tịch tập đoàn” – Yoshiharu Ueki chia sẻ. Theo ông, ngành hàng không rất đặc biệt vì nó gần như chỉ có một sản phẩm duy nhất là các chuyến bay. Nhưng hành khách – đặc biệt là hành khách Nhật – luôn muốn được phục vụ với thái độ chu toàn nhất.
Trong một lần được hỏi “điều gì khiến các phi công hạnh phúc nhất”, chủ tịch Yoshiharu đã nói: “Mỗi lần đáp xuống thành công, tôi đều vô cùng mừng rỡ và thỏa mãn. Tôi nghĩ đó mới là lí do mình thích điều khiển máy bay đến vậy”. Đối với tập đoàn Japan Airlines cũng vậy, ông đã cùng 32.000 nhân viên “bay qua” một hành trình thật dài, vượt qua hàng loạt đợt rung lắc chấn động trong 7 năm, nhưng may thay, họ đã cùng nhau hạ cánh an toàn!
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!